Thuốc Đông Y để được bao lâu?

PhuongNH

Member
Qua nghiên cứu Đông dược, người ta nhận thấy điều kiện để thuốc bị mốc meo thường là ở nhiệt độ 20 - 35 độ C, và độ ẩm là 75%. Chính những bào khuẩn từ mốc meo này phát sinh ra một số chất phá vỡ các thành phần dược tính của thuốc, làm mất đi hiệu năng.
Xét về mặt tự nhiên, trong một vị thuốc bắt buộc bao giờ cũng phải tồn tại đầy đủ các yếu tố sau: Dược vị, dược tính, dược khí, dược năng, dược sắc. Dược vị là các vị: chua, cay, ngọt, đắng, mặn; Dược tính là: hàn, nhiệt, ôn, lương; dược khí là: âm khí, dương khí, năm mùi của thuốc; dược năng là công năng chủ trị; dược sắc là: xanh, trắng, vàng, đỏ đen. Các yếu tố trên được gọi là: dược chất, khi thuốc hết hạn xử dụng thì gọi là biến chất.
Trước khi nói đến thời gian tuổi thọ của thuốc, tôi cũng nhắc sơ qua phương pháp sắc thuốc ngày xưa, để bạn tham khảo, và sẽ tự biết được thuốc như thế nào là còn tốt, như thế nào là hết hạn. Ngày xưa, khi sắc thuốc, người ta sắc đến 3 lần, sau đó hòa lại với nhau chia làm hai lần mà uống. Sau khi uống thì lựa xác thuốc, có vị nào ăn được thì ăn. Chính vì vậy, theo truyền thống, đến bây giờ trong văn nói vẫn gọi uống thuốc là "ăn thuốc", trong văn viết thì gọi là "phục dược". Lần sắc đầu tiên của thuốc bao giờ cũng chỉ lấy được phần biểu, lần sắc thứ hai thì lấy được bán biểu bán lý, lần sắc thứ 3 thì lấy được lý. Qua ba lần sắc mới thực sự lấy trọn vẹn được toàn bộ dược chất. Theo quy tắc sắc thì lúc đầu lửa nhỏ (vi hỏa) để lấy dược khí, mục đích lửa nhỏ là để bảo tồn âm tính và dương tính của thuốc, lúc này đậy kín. Đến khi được thuốc thì lấy ra đậy kín; lần thứ hai lửa vừa (văn hỏa) để lấy dược vị. Sau khi được thuốc thì lấy ra hòa với nước nhất; nước thứ ba thì cho lửa lớn (vũ hỏa), để lấy phần dược vị trong lý, và cũng là thâu tóm toàn bộ những gì còn sót lại của thuốc. Đến khi được thuốc thì hòa với hai nước trên, sau đó chia làm 2 hoặc 3 lần, theo hướng dẫn của thầy thuốc mà uống. Cách sắc thuốc này dành cho người thực sự có bệnh nặng, bệnh lâu ngày. Thời đại ngày nay, không thể áp dụng cách này được. Nếu dùng thuốc lâu ngày mà hiệu quả chậm, sử dụng cách sắc này thì hiệu quả sẽ cao. Cách này còn gọi là phương pháp "Thiên Địa Nhân".
Vì yêu cầu của phương pháp sắc thuốc trên đòi hỏi đúng các bước như vậy, nên các vị thuốc cũng cần phải đáp ứng đúng về dược chất. Muốn phân biệt thuốc có còn tác dụng không thì em áp dụng phương pháp trực quan bằng cách nhìn dược sắc, ngửi dược khí, nếm dược vị. Nếu một trong 3 cái đó không còn là thuốc giảm hoặc mất tác dụng.
Thời gian tuổi thọ của thuốc còn tùy thuộc vào chủng loại. Ví dụ: Trần bì, bán hạ, Ngải cứu, muối, dấm thì để càng lâu càng có tác dụng. Các vị có mùi thơm, nhiều tinh dầu, hoặc mau phân hủy thì dùng nhanh, không thể để được lâu. Có vị phải chôn dưới đất vài năm mới dùng, có vị phải để giữa dòng sông vài tháng, vài tuần rồi mới dùng. Nhìn chung, trong đông y, thời gian quy định tuổi thọ của thuốc như sau: Các loại cỏ, rễ, thực vật, thì đa số không để quá 2 năm; loại thân cây thì không để quá 3 năm; loại quả, hạt thì không quá 4 năm; loại khoáng chất thì không quá 10 năm (tất cả phải được bảo tồn trong trạng thái độ ẩm, khí hậu tốt nhất).
 
Back
Top